Quy định an toàn vận hành thiết bị áp lực

Nguyễn Vũ 07/10/2020
quy-dinh-an-toan-van-hanh-thiet-bi-ap-luc

Những quy định về AT-VSLĐ đối với thiết bị áp lực: khi mua, lắp đặt mới thiết bị, sử dụng, cất giữ, bảo quản, vận chuyển, bảo dưỡng.

Để loại trừ những nguy cơ rủi ro trong quá trình sử dụng thiết bị áp lực, cần phải tuân thủ thủ triệt để các nguyên tắc AT-VSLĐ từ khi mua, lắp đặt mới thiết bị, sử dụng, cất giữ, bảo quản, vận chuyển, bảo dưỡng.

1. An toàn khi mua, lắp đặt mới thiết bị:

Khi mua, lắp mới thiết bị, cần tìm hiểu và yêu cầu nhà sản xuất, đơn vị cung cấp thiết bị phải đảm bảo thiết bị được thiết kế phù hợp với điều kiện sử dụng và tuân thủ đầy đủ các quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với nồi hơi, bình chịu áp lực (QCVN 01:2008/BLĐTBXH). Các thiết bị áp lực này phải được chứng nhận hợp quy phù hợp với quy định tại quy chuẩn nói trên.

Thiết bị chọn mua phải có các thông số kỹ thuật phù hợp với quy mô sản xuất để tránh lãng phí, thiết bị chọn mua phải có đầy đủ các hồ sơ kỹ thuật như: hồ sơ thể hiện rõ nơi sản xuất, năm chế tạo, bản vẽ cấu tạo ghi rõ các kích thước chính, các chứng chỉ về vật liệu chế tạo, vật liệu hàn, các thông số kỹ thuật chính; sơ đồ nguyên lý vận hành, hướng dẫn bảo dưỡng, sửa chữa; quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố; biên bản kiểm tra xuất xưởng; biên bản kiểm tra chất lượng mối hàn, thiết bị áp lực nhập khẩu phải có đủ hồ sơ hoàn thành thủ tục hải quan.

Khi mua các thiết bị đã qua sử dụng cần phải xem xét kỹ lưỡng tình trạng kỹ thuật thực tế của thiết bị, các hồ sơ theo dõi sửa chữa và phương án kỹ thuật sửa chữa và kết quả thử nghiệm sau khi cải tạo, sửa chữa.

Đối với các thiết bị phải sửa chữa, cải tạo phải tuân thủ các phương án kỹ thuật được lập ra một cách chặt chẽ, chi tiết và được thực hiện bởi những người, đơn vị có đầy đủ năng lực, pháp nhân. Quá trình sửa chữa, cải tạo phải được giám sát chặt chẽ. Thiết bị phải được kiểm tra và nghiệm thu đầy đủ sau khi cải tạo, sửa chữa.

Các thiết bị áp lực trước khi đưa vào sử dụng phải được khám nghiệm theo đúng quy định hiện hành. Các thiết bị áp lực sau khi cải tạo, sửa chữa làm thay đổi thông số kỹ thuật, thay đổi vị trí lắp đặt ở vị trí mới phải được khám nghiệm bất thường; hoặc trước khi đưa vào sử dụng phải được tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Chỉ được sử dụng thiết bị khi kết quả kiểm định đạt yêu cầu.

2. An toàn vị trí lắp đặt thiết bị:

Khi lắp đặt (đối với nồi hơi và thiết bị áp lực cố định) phải có thiết kế lắp đặt bao gồm: Nhà đặt thiết bị, các khoảng cách an toàn đối với khu vực xung quanh, vị trí lắp đặt thiết bị, cửa thoát hiểm, hệ thống chống sét.

– Lắp đặt thiết bị áp lực phải phù hợp với các tiêu chuẩn xây dựng, vệ sinh công nghiệp, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn hiện hành để việc vận hành được thuận tiện và an toàn.

– Thiết bị áp lực cố định phải đặt trong các nhà riêng. Chỉ được phép đặt thiết bị ngoài trời nếu được thiết kế, chế tạo phù hợp với điều kiện thực tế đó.

– Chỉ được phép  lắp đặt  nồi hơi trên  tầng, dười gầm nhà ở và các nhà có năng suất sinh hơi không quá 50KG/h, áp suất làm việc lớn nhất không quá 2KG/cm2 với điều kiện phải có tường ngăn cách an toàn.

Nếu đặt bình áp lực dưới mặt đất phải bảo vệ không để ngập nước và phải có lối đi đến các bộ phận của bình để kiểm tra và thao tác vận hành.

Các sàn, cầu thang, giá treo phục vụ cho việc quản lý vận hành không được làm ảnh hưởng đến độ bền và độ vững chắc của thiết bị áp lực.

Trên mỗi thiết bị áp lực sau khi kiểm định xong cần phải kẻ bằng sơn ở chỗ dễ thấy nhất một khung kích thước 150 x 200mm trong đó ghi các số liệu: Mã hiệu thiết bị, áp suất làm việc cho phép, ngày khám nghiệm và lần khám nghiệm tiếp theo.

Không cho phép đặt các bình áp lực sau đây ở trong hoặc gần kề những nhà có người ở, những công trình công cộng hoặc công trình sinh hoạt:

a. Các bình chứa các môi chất không ăn mòn, độc hoặc cháy nổ có tích số p.V lớn hơn 10.000 (p – tính bằng kG/cm2, V – tính bằng lít).

b. Các bình chứa môi chất an mòn, độc hoặc cháy nổ có tích số p.V  lớn hơn 500.

Các bình nói trên phải đặt ở ngoài trời, nơi không tập trung đông người hoặc phải đặt ở trong những công trình riêng biệt. Bình phải đặt vững chắc trên giá đỡ hoặc trên bệ máy.

3. Nơi đặt thiết bị và các trang thiết bị an toàn và đảm bảo cho chúng luôn ở trạng thái sẵn sàng làm việc:

Phải soạn thảo và treo ở chỗ dễ thấy bên cạnh thiết bị áp lực các quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố, trong đó cần quy định rõ:

+   Trình tự thao tác, kết thúc vận hành, kiểm tra các thiết bị trước khi đưa thiết bị vào vận hành, trong quá trình vận hành và kết thúc vận hành.

+   Các sự cố thường gặp và biện pháp khắc phục.

+   Chế độ kiểm tra đối với các thiết bị  bảo vệ như van an  toàn,  áp kế, rơ le áp suất cũng như các thiết bị bảo vệ khác có tác dụng chỉ bảo, tự động điều chỉnh quá trình làm việc của thiết bị như: khống chế áp suất thông  qua điều chỉnh quá trình cháy, tự động cấp nước, tự động ngừng thiết bị khi có sự cố phải được lắp đặt đầy đủ trên thiết bị áp lực.

+   Chế độ xả đáy và thông rửa ống thủy đối với nồi hơi; xả dầu đối với các bình khí nén và xả nước ngưng đối với các bình trao đổi nhiệt.

+   Chế độ ghi chép nhật ký vận hành và bàn giao ca. Các thiết bị xả tự động như van an toàn, màng phòng nổ phải có ống xả dẫn ra vị trí an toàn.

Trang bị hệ thống chống sét cho nhà đặt thiết bị; thực hiện biện pháp nối đất an toàn thiết bị điện.

Nơi đặt thiết bị phải trang bị đủ các phương tiện xử lý sự cố, tai nạn và PCCC.

4. Các yêu cầu an toàn đối với áp kế và van an toàn:

Trên mỗi thiết bị áp lực phải được lắp đặt áp kế có thang đo phù hợp và thực hiện việc kiểm định định kỳ áp kế để đảm bảo rằng các chỉ số về áp suất được phản ánh chính xác.

5. An toàn trong quá trình vận hành thiết bị áp lực:

Phải có nội quy an toàn cho nhà đặt thiết bị áp lực, nội quy này phải quy định trách nhiệm của người quản lý và công nhân vận hành. Người không có nhiệm vụ liên quan không được phép vào nơi đặt thiết bị áp lực.

Phải tiến hành xây dựng và đặt các quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố ở vị trí thích hợp dễ quan sát bên cạnh thiết bị áp lực, nồi hơi, trong đó cần quy định rõ:

+   Quy trình vận hành thiết bị phải thể hiện các nội dung: Việc kiểm tra toàn bộ thiết bị để phát hiện các tồn tại về mặt kỹ thuật để khắc phục nó trước khi vận hành thiết bị, theo dõi trong quá trình vận hành thiết bị, thứ tự các thao tác để ngừng vận hành thiết bị. Sau mỗi ca làm việc phải ghi chép tình trạng kỹ thuật và các hư hỏng nếu có vào sổ theo dõi vận hành để bàn giao cho ca sau.

+   Quy trình xử lý sự cố phải thể hiện các nội dung: Phải nêu được các sự cố thường gặp trong quá trình vận hành, ở mỗi sự cố cụ thể phải nêu rõ hiện tượng sự cố (nhận biết), nguyên nhân sự cố và cách xử lý sự cố.

+   Phải quy định rõ các trường hợp cấm vận hành thiết bị như: Áp kế hỏng hoặc hết thời hạn sử dụng; van an toàn hỏng hoặc mất kẹp chì, khi phát hiện thấy biến dạng, nứt trên các bộ phận chịu áp lực của thiết bị; khi xảy ra cháy đe dọa trực tiếp đến khu vực vận hành thiết bị áp lực.

Phải quy định rõ các trường hợp không được phép làm khi vận hành thiết bị như: Tự ý phá bỏ niêm chì để xiết chặt hoặc chèn hãm thay tăng áp suất mở của van an toàn; Cấm xiết chặt hoặc tháo các chi tiết khi thiết bị đang có áp suất.

Việc vận hành chỉ được giao cho những người từ 18 tuổi trở lên, có đủ sức khỏe đã được huấn luyện kiến thức về chuyên môn, kỹ thuật an toàn trong vận hành xử lý sự cố, thực hiện việc kiểm tra, sát hạch các đối tượng này và được cấp thẻ an toàn cho người đạt yêu cầu.

Người sử dụng  lao động  phải có quyết định giao nhiệm vụ vận hành cho người được cấp thẻ vận hành thiết bị áp lực.

Khi vận hành bình phải đảm bảo:

• Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp.

• Vận  hành thiết bị một cách an toàn theo đúng quy trình của đơn vị; kịp thời và bình tĩnh xử lý sự cố theo đúng quy định của đơn vị khi sự cố xảy ra, đồng thời báo ngay cho người phụ trách những hiện tượng không an toàn của thiết bị áp lực.

• Trong  khi  thiết  bị  áp  lực  đang  hoạt  động  không được làm việc riêng hoặc bỏ vị trí công tác.

•  Cấm chèn hãm, hoặc dùng bất cứ biện pháp gì để tăng thêm tải trọng của van an toàn trong khi thiết bị áp lực đang hoạt động.

• Thường xuyên kiểm tra tình trạng của thiết bị áp lực, sự hoạt động của các dụng cụ kiểm tra – đo lường, các cơ cấu an toàn và các phụ tùng của thiết bị áp lực.

• Nghiêm cấm việc sửa chữa thiết bị áp lực khi đang có áp suất.

Người chủ sở hữu (quản lý) thiết bị áp lực có trách nhiệm khắc phục kịp thời những hư hỏng trong quá trình vận hành:

• Khi áp suất làm việc tăng quá mức cho phép, mặc dù các yêu cầu khác quy định trong quy trình vận hành thiết bị đều đảm bảo.

• Khi các cơ cấu an toàn không hoàn hảo.

• Khi phát hiện thấy trong các bộ phận chịu áp lực của thiết bị áp lực có các vết nứt, chỗ phồng, xì hơi hoặc chảy nước ở các mối hàn, các miếng đệm bị xé.

• Khi  xảy ra cháy trực tiếp đe dọa thiết bị áp lực đang có áp suất.

• Khi áp kế hư hỏng và không có khả năng xác định áp suất trong bình bằng một dụng cụ nào khác.

• Khi ống thủy bị hư hỏng.

Những trường hợp khác theo quy định trong quy trình vận hành của đơn vị.

6. An toàn khi cất trữ, bảo quản thiết bị áp lực là các chai chứa khí, bình khí nén:

– Người làm việc trong các kho chứa chai phải được huấn luyện về an toàn  phòng  chống cháy nổ, huấn luyện về an toàn lao động trong bảo quản, vận chuyển các chai chứa khí, phải được kiểm tra sát hạch và cấp thẻ an toàn phòng cháy, chữa cháy và thẻ an toàn lao động.

– Trong tất cả các kho bảo quản chai chứa khí phải có bảng nội dung quy định trách nhiệm của người quản lý và công nhân xếp dỡ và bảo quản chai. Người không có nhiệm vụ liên quan không được phép vào nơi đặt thiết bị áp lực, kho chứa chai; bảng tóm tắt quy trình an toàn trong xếp dỡ và bảo quản chai cùng các bảng hướng dẫn cần thiết.

– Trong các kho chứa phải được trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy và phải xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy, các phương án này phải được công an phòng cháy chữa cháy phê duyệt để xử lý các trường hợp bất thường xảy ra.

– Tại các khu vực khi chứa khí phải thực hiện việc đánh giá các nguy cơ và xây dựng các biện pháp ứng cứu khẩn cấp khi nguy cơ xảy ra, định kỳ diễn tập cho lực lượng ứng cứu khẩn cấp. Lực lượng  ứng cứu khẩn cấp phải được trang bị các phương tiện phù hợp nhằm thực hiện việc ứng cứu một cách có hiệu quả. Người thuộc đội ứng cứu khẩn cấp phải được đào tạo về kỹ năng xử lý khi có sự cố xảy ra, phải được đào tạo về sơ cấp cứu và định kỳ 06 tháng một lần phải được kiểm tra sức khỏe. Chỉ những người có sức khỏe tốt mới được bố trí vào lực lượng này.

– Các kho bảo quản chai đã nạp đầy khí phải là nhà một tầng có mái nhẹ và không có trần; tường vách ngăn và mái phải là vật liệu chống cháy theo quy định hiện hành; cửa sổ và cửa ra vào phải mở ra phía ngoài, kính cửa phải là kính mờ hoặc quét một lớp sơn trắng; chiều cao từ nền đến phần nhô ra thấp nhất của mái không được nhỏ hơn 3,25 mét.

– Nền kho phải bằng phẳng nhưng không trơn trượt; nền kho chứa khí cháy phải lát bằng vật liệu không tạo ra tia lửa do va chạm hoặc cọ sát chai với nền.

– Các kho chứa chai đã nạp đầy khí phải được thông gió tự nhiên hoặc nhân tạo phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh trong việc thiết kế các xí nghiệp công nghiệp. Nhiệt độ trong kho không được cao hơn 35oC, nếu quá trị số này thì phải có biện pháp làm mát.

– Các buồng  của kho để bảo quản chai phải chia thành  nhiều ngăn bằng tường chống cháy.  Mỗi ngăn được phép chứa không quá 20m3 thể tích chai khí cháy hoặc khí độc và không quá 40m3 thể tích chai khí không cháy và không độc.

– Các kho chứa khí cháy, khí nổ hoặc khí độc phải phù hợp với các tiêu chuẩn phòng chống cháy, phòng nổ hoặc phòng độc và phải có thiết bị khử độc nhanh trong trường hợp bị nổ vỡ để giảm bớt tác hại cho vùng xung quanh.

– Các kho chứa khí độc, hoặc cháy nổ phải được bảo vệ nghiêm ngặt và có nội quy chặt chẽ. Các kho này phải đặt trong vùng được bảo vệ chống sét. Cấm bảo quản trong cùng một kho các chai chứa ôxy và các khí cháy khác.

– Trong phạm vi 10m xung quanh kho bảo quản chai chứa khí, nghiêm cấm để các loại vật liệu dễ cháy và cấm ngặt làm các việc có lửa như: Rèn, đúc, hàn, đun bếp.

– Khi vận chuyển hoặc bốc xếp các thùng chứa khí hóa lỏng phải có biện pháp chống rơi đổ, chống tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời và tránh bị đốt nóng cục bộ.

– Các chai chứa khí phải đặt cách xa nơi có ngọn lửa ít nhất 5m, cách xa lò sưởi điện và các thiết bị sưởi ấm khác nhỏ hơn 1,5 mét.

– Khi bảo quản các chai đã nạp đầy khí phải xếp chai ở tư thế đứng, đặt trong các khung giá để giữ cho khỏi bị đổ. Các chai không có đế phải xếp ở tư thế nằm ngang.

– Chuyên chở các chai đã nạp đầy khí phải được tiến hành bằng các phương tiện vận chuyển có lò xo. Chai phải đặt nằm ngang, các van chai phải cùng quay về một phía và có mũ bảo vệ, trừ trường hợp vận chuyển bằng xe chuyên dụng. Giữa các lớp chai phải lót đệm bằng dây thừng, bằng các thanh gỗ có khoét lỗ, hoặc lót bằng các vòng cao su với chiều dày từ 25 mm trở lên. Mỗi lớp chai phải lót đệm từ 2 vị trí trở lên.

– Trong quá trình chuyên chở, bốc xếp phải có biện pháp chống rơi đổ.

– Cấm chuyên chở các chai đã nạp khí bằng phương tiện do súc vật kéo.

7. Thực hiện đầy đủ các quy định về bảo dưỡng thiết bị:

– Mỗi đơn vị sản xuất phải lập kế hoạch bảo dưỡng cho toàn bộ hệ thống các thiết bị áp lực trong đơn vị. Kế hoạch bảo dưỡng phải tính đến các đặc điểm riêng biệt của từng thiết bị như tuổi thọ, đặc điểm vận hành, môi trường làm việc của thiết bị.

– Việc sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị áp lực phải được ghi vào sổ theo dõi thiết bị đầy đủ.

– Thực hiện việc kiểm tra định kỳ để phát hiện những biểu hiện bất thường trong hệ thống, ví dụ: nếu van an toàn thường xuyên tác động có nghĩa là hệ thống bị quá áp một cách bất thường hoặc van an toàn không tốt, kiểm tra, phát hiện các biểu hiện mài mòn và ăn mòn, vết nứt ở khu vực chuyển tiếp, mối hàn hoặc các vị trí thiết bị thường xuyên tiếp xúc với môi trường ẩm ướt, ăn mòn.

– Trước khi thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa phải xả hết áp suất bên trong thiết bị và làm vệ sinh. Thực hiện đầy đủ các biện pháp và quy trình an toàn trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng như cắt điện, treo biển thiết bị đang sửa chữa để loại trừ các tác động của người không có trách nhiệm làm thiết bị hoạt động trở lại gây nguy hiểm cho người sửa chữa bên trong. Việc sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị áp lực phải được ghi vào sổ theo dõi thiết bị đầy đủ.

8. Thực hiện đầy đủ việc đào tạo, huấn luyện cho người quản lý, vận hành thiết bị áp lực:

– Tất cả những người vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa và làm các công việc có liên quan đến thiết bị áp lực đặc biệt là những công nhân mới phải được huấn luyện, đào tạo một cách đầy đủ và định kỳ về an toàn cũng như được cung cấp đầy đủ các tài liệu có liên quan đến sử dụng an toàn thiết bị áp lực.

– Việc huấn luyện phải được thực hiện lại trong các trường hợp sau:

•  Khi thay đổi công việc

•  Khi thiết bị hoặc quy trình vận hành thay đổi

•  Sau  một  thời  gian  ngừng  làm  việc  hoặc  chuyển làm việc khác

• Sau mỗi định kỳ hàng năm

9. Thực hiện kiểm định thiết bị áp lực:

Theo Thông tư  số 32/2011/TT-BLĐTBXH, ngày  14 tháng 11 năm 2011 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thì những thiết bị, hệ thống áp lực sau phải được kiểm định:

• Bình áp lực có áp suất làm việc > 0,7KG/cm2, dung tích lớn hơn 25 lít.

• Nồi hơi có áp suất làm việc > 0,7KG/cm2, nồi đun nước nóng có nhiệt độ nước > 115oC.

• Các chai chứa khí nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan có áp suất > 0,7KG/cm3.

• Đường ống dẫn hơi nước bão hòa có đường kính ≥ 76 mm, đường ống dẫn hơi quá nhiệt có đường kính ≥51mm.

• Đường  ống dẫn khí đốt.

• Hệ thống lạnh công nghiệp.

• Bồn chứa khí hóa lỏng, amôniắc.

• Hệ thống điều khí và nạp khí.

• Trạm nạp khí hóa lỏng.

Việc kiểm định phải do các tổ chức có đăng ký kinh doanh về dịch vụ kỹ thuật kiểm định an toàn máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đảm bảo các điều kiện theo  quy định của Bộ Lao động  – Thương binh và Xã hội. Việc kiểm định phải được thực hiện trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong suốt quá trình sử dụng theo quy định. Khi thiết bị phải sửa chữa lớn hoặc thay đổi vị trí lắp đặt, đơn vị sử dụng phải thực hiện việc kiểm định bất thường bởi các tổ chức nói trên để xác định khả năng an toàn của thiết bị. Thời hạn kiểm định quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định trong các quy trình kiểm định do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành có các kỳ hạn sau:

* Đối với bình áp lực: 3 năm một lần khám xét bên trong, bên ngoài để phát hiện các biểu hiện bất thường, hình thức kiểm định này do cơ sở tự tiến hành hoặc thuê tổ chức kiểm định, 6 năm một lần thực hiện khám xét trong ngoài và thử thủy lực đến áp suất thử theo quy định của quy trình kiểm định. Ngoài các hình thức kiểm định nói trên, bình chịu áp lực còn phải kiểm tra vận hành định kỳ hằng năm.

* Đối với nồi hơi: 2 năm một lần khám xét bên trong, bên ngoài để phát hiện các biểu hiện bất thường sau đó phải thử đến áp suất làm việc cho phép để đảm bảo rằng các lỗ quan sát, cửa người chui bắt chặt trên nồi hơi kín khít, hình thức kiểm định này do cơ sở tự tiến hành hoặc thuê tổ chức kiểm định, 6 năm một lần thực hiện khám xét trong ngoài và thử thủy lực đến áp suất thử theo quy định của quy trình kiểm định. Ngoài các hình thức kiểm định nói trên, nồi hơi còn phải kiểm tra vận hành hằng năm do đơn vị sử dụng thực hiện.

* Các chai chứa khí phải được kiểm định định kỳ là 5 năm một lần.

* Hệ thống lạnh 3 năm khám xét toàn bộ, 5 năm khám xét toàn bộ và thử bền một lần.

Thời hạn kiểm định trên có thể rút ngắn nhưng phải thể hiện rõ lý do rút ngắn trong biên bản kiểm định.

Nguồn: ESC Việt Nam

Bình luận (2)
binh-luan

Stushesse

05/11/2022
Shares of thefirms rose 4 cialis generic best price
binh-luan

Pinfugh

17/05/2022
Lhqpsi Fluoxetine Tablet Over Night Henderson https://newfasttadalafil.com/ - generic cialis for sale Ehgiuy Spasticity such as leg stiffness can impair the patients ability to walk and maintain balance. Zlbsak order cialis Uxesly Kamagra Acheter Canada Vente Viagra France Pas Cher https://newfasttadalafil.com/ - Cialis
VIẾT BÌNH LUẬN