An toàn thiết bị chịu áp lực: những nguy cơ thường gặp, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

Nguyễn Vũ 07/10/2020
an-toan-thiet-bi-chiu-ap-luc-nhung-nguy-co-thuong-gap-nguyen-nhan-va-giai-phap-p

Thiết bị chịu áp lực là thiết bị được giới hạn bằng một thể tích đóng kín bởi các van, khóa, có áp suất làm việc cao hơn 0,7 bar dùng để tiến hành các quá trình nhiệt học (như nồi hơi, nồi hấp, nồi đun nước nóng, hệ thống lạnh...) hoặc quá trình hóa học (như các bình phản ứng) hoặc dùng để bảo quản, tồn trữ vận chuyển các chất khí nén, khí hóa lỏng, khí hòa tan ở trạng thái có áp suất (như bồn gas; bình gas; bình chứa khí hóa lỏng; bình chứa khí nén; xi téc...) hoặc dùng để chứa chất rắn ở dạng bột không có áp suất nhưng được tháo ra bằng chất khí có áp suất cao hơn 0,7 bar (theo quy định tại điểm 1.4.17 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATLĐ nồi hơi và bình chịu áp lực QCVN: 01-2008/BLĐTBXH thì: Đơn vị đo áp suất được qui đổi như sau: 1 KG/cm2 = 0,1 MPa = 0,98 bar = 14,4 PSI).

Trong lĩnh vực thiết bị chịu áp lực, người ta thường sử dụng các đơn vị đo: áp suất tuyệt đối, áp suất tương đối, áp suất khí quyển.

Áp suất tuyệt đối = áp suất tương đối + áp suất khí quyển

Trong đó: áp suất tương đối (hay còn gọi là áp suất dư) là áp suất đo được bằng áp kế dùng để chỉ trị số áp suất bên trong của thiết bị chịu áp lực; áp suất khí quyển (hay còn gọi là áp suất trọng trường) phụ thuộc vào sức hút của trái đất. Khi tăng độ cao (so với mực nước biển) áp suất này sẽ giảm. Ở mức nước biển, áp suất này có giá trị là 760mm Hg.

Phân loại thiết bị chịu áp lực

Thông thường thiết bị chịu áp lực được phân ra 2 loại chính: Bình chịu áp lực và nồi hơi.

Bình chịu áp lực là thiết bị dùng để tiến hành các quá trình nhiệt học, hoặc hóa học, cũng như để chứa và chuyên chở môi chất có áp suất lớn hơn áp suất khí quyển hoặc để chứa chất rắn ở dạng bột không có áp suất nhưng được tháo ra bằng chất khí có áp suất cao hơn 0,7 bar.

Nồi hơi là thiết bị dùng để sản xuất hơi nước (dùng cho sản xuất công nghiệp hoặc sinh hoạt) mà nguồn nhiệt cung cấp cho nó là do sự đốt cháy nhiên liệu hữu cơ hoặc do các phản ứng hóa học, kể cả năng lượng nguyên tử (nồi hơi sử dụng trong nhà máy điện nguyên tử).

Những nguy cơ thường gặp

Trong quá trình sử dụng thiết bị chịu áp lực, có rất nhiều nguy cơ có thể dẫn đến sự cố, tai nạn lao động, thậm chí đã xảy ra rất nhiều tai nạn lao động chết người, có những tai nạn lao động chết người rất nghiêm trọng. Có hai nhóm nguy cơ:

Nguy cơ nổ thiết bị

Do xu thế cân bằng áp suất của các thiết bị chịu áp lực kèm theo sự giải phóng năng lượng lớn, khi điều kiện độ bền của thiết bị không đảm bảo dẫn đến hiện tượng nổ. Hiện tượng nổ thiết bị chịu áp lực có thể đơn thuần là nổ vật lý nhưng cũng có trường hợp kết hợp cả hai hiện tượng nổ là nổ vật lý và nổ hóa học. Trường hợp này năng lượng nổ rất lớn, tác hại công phá của nó cũng rất lớn. Hình ảnh nổ chai khí nén tại một cơ sở sản xuất (hình 1).

Hình 1. Quang cảnh nổ chai chứa khí nén tại một cơ sở sản xuất

Nguy cơ bỏng

Nguy cơ bỏng do sự cố thiết bị chịu áp lực rất phổ biến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bỏng nhưng chủ yếu do xì hở môi chất, nổ vỡ thiết bị, người vận hành tiếp xúc với các bộ phận có nhiệt nổ cao (chủ yếu ở nồi hơi) không được bọc cách nhiệt hoặc cách nhiệt hư hỏng v.v... Hiện tượng bị bỏng do thiết bị chịu áp lực có thể là bỏng nóng (do nhiệt độ cao), bỏng lạnh (do nhiệt độ thấp).

Nguyên nhân dẫn đến các nguy cơ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các nguy cơ trong quá trình vận hành, sử dụng thiết bị chịu áp lực, có thể phân ra thành các nhóm nguyên nhân sau:

Do chế tạo, sửa chữa

- Khi chế tạo không có thiết kế hoặc thiết kế không được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến một số vi phạm sau đây:

+ Các bộ phận của thiết bị không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật;

+ Kết cấu mối hàn không phù hợp nhất là các mối hàn góc;

+ Vật liệu chế tạo không phù hợp;

+ Các ống nối, ống cụt, đặc biệt là các ống xả đáy, ống cấp nước không bảo đảm điều kiện an toàn.

- Việc sửa chữa thiết bị áp lực thường vi phạm các yêu cầu kỹ thuật sau đây:

+ Tự sửa chữa hoặc thuê các đơn vị, cá nhân sửa chữa mà không có chức năng hành nghề trong lĩnh vực sửa chữa thiết bị chịu áp lực.

+ Không xây dựng phương án, qui trình sửa chữa đảm bảo an toàn; có phương án sửa chữa nhưng khi tiến hành sửa chữa không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; không kiểm tra, nghiệm thu theo qui định sau khi sửa chữa, do đó chất lượng thiết bị không đảm bảo an toàn trong
vận hành.

Do trang bị, lắp đặt

- Trang bị các thiết bị phụ trợ không đồng bộ, không phù hợp với thông số hoạt động của thiết bị chịu áp lực (như hệ thống cấp nước, xử lý nước cho nồi hơi, các thiết bị đi kèm của hệ thống lạnh...);

- Các thiết bị đo lường, bảo vệ, an toàn ít được chú ý đến, nhất là về chất lượng sử dụng. Hình 2 cho ta thấy rõ đồng hồ đo áp suất bị hỏng nhưng vẫn còn đang sử dụng trong thực tế hiện nay.

Có trường hợp sử dụng các vật tư, thiết bị cũ đã qua sử dụng, chất lượng kém, thông số điều chỉnh không chính xác, thời gian bảo đảm hoạt động ngắn.

- Việc lắp đặt thiết bị chịu áp lực có nhiều vi phạm như: vị trí lắp đặt nồi hơi, hệ thống lạnh hoặc các bồn chứa môi chất độc hại, cháy nổ... không bảo đảm các khoảng cách an toàn; vị trí lắp đặt các thiết bị phụ, các thiết bị phục vụ khác không đảm bảo yêu cầu vận hành và xử lý sự cố.

Hình 2. Đồng hồ đo áp suất của van giảm áp bị hư hỏng vẫn đem sử dụng

Do quản lý, vận hành

- Việc đăng ký, kiểm định đối với thiết bị không được thực hiện đầy đủ, đúng qui định, do đó việc theo dõi và ngăn ngừa nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động không được triệt để.

- Việc xây dựng, ban hành nội qui, qui trình vận hành chưa đầy đủ. Công tác kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng, sửa chữa không đáp ứng kịp thời.

- Việc kiểm định định kỳ các thiết bị đo lường, bảo vệ, an toàn ít được thực hiện.

- Người vận hành thiết bị không được đào tạo, huấn luyện về an toàn lao động; vi phạm các qui trình vận hành; việc huấn luyện cho người trực tiếp vận hành hiểu biết và xử lý sự cố đối với thiết bị ít được chú ý.

- Bố trí người vận hành ở một số vị trí không đủ số lượng hoặc không đúng ngành nghề được đào tạo dẫn đến việc theo dõi, kiểm tra an toàn cũng như xử lý sự cố không đảm bảo yêu cầu.

- Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động không đầy đủ. Người lao động chưa tự giác sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được cấp.

Các giải pháp phòng ngừa

Để ngăn ngừa sự cố, tai nạn lao động có thể xảy ra trong quá trình sử dụng các thiết bị chịu áp lực, trên cơ sở phân tích các nguyên nhân ở trên, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Đối với doanh nghiệp, người sử dụng thiết bị chịu áp lực

- Các đơn vị chế tạo, sửa chữa thiết bị chịu áp lực phải thực hiện đầy đủ các qui định của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn; phải lập qui trình công nghệ chế tạo theo đúng yêu cầu của người thiết kế; chịu trách nhiệm về chất lượng chế tạo, sửa chữa; phải tổ chức kiểm tra các khâu trong quá trình chế tạo, sửa chữa.

- Các đơn vị lắp đặt phải tuân thủ những qui định của người chế tạo khi lắp đặt. Mọi thay đổi về kết cấu phải được sự thỏa thuận của người chế tạo. Khi không có điều kiện thỏa thuận này thì phải được cơ quan cho phép lắp đặt chấp thuận; mọi thỏa thuận về thay đổi kết cấu phải được thực hiện bằng văn bản (các văn bản này phải được lưu trong hồ sơ thiết bị).

- Người chủ sở hữu thiết bị chịu áp lực phải tăng cường trách nhiệm quản lý trong việc sử dụng thiết bị; phải ban hành các qui định trách nhiệm cho các đương sự liên quan đến việc sử dụng thiết bị chịu áp lực; phải kiểm định, đăng ký thiết bị tại cơ quan có thẩm quyền.

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn lao động

- Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy, các qui chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về kỹ thuật an toàn thiết bị chịu áp lực, đặc biệt chú ý hệ thống văn bản pháp qui qui định các chế tài quản lý, an toàn lao động đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về các điều kiện sử dụng an toàn thiết bị chịu áp lực. Cần tăng cường lực lượng thanh tra cả về số lượng và chất lượng thanh tra viên an toàn lao động. Mặt khác trong công tác thanh tra cần cải tiến nội dung và phương pháp để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và tránh gây phiền hà cho cơ sở. Trong điều kiện lực lượng thanh tra an toàn lao động còn mỏng như hiện nay, cần xác định và tập trung thanh tra, kiểm tra theo trọng điểm ở các khu vực có nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động, khu vực có khả năng gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản nếu tai nạn xảy ra.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn lao động đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động. Tăng cường công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động theo qui định của pháp luật hiện hành (Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2005 và thông tư số 41/2011/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2011 của Bộ LĐ-TB và XH hướng dẫn công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động).

- Xử lý nghiêm minh trước pháp luật những trường hợp vi phạm các qui định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động để xảy ra các sự cố, tai nạn lao động, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

(Nguồn tin: Bảo hộ lao động 2012)

Bình luận (1)
binh-luan

impaing

24/06/2022
Qihmpc This led Hippocrates to think that arteries contained air while only veins contained bloodthe truth being that arteries which move blood away WILLIAM HARVEY English physician William Harvey demonstrates the circulation of blood in a stag. https://newfasttadalafil.com/ - Cialis Cialis Cynbho Mwncfu https://newfasttadalafil.com/ - cialis pills
VIẾT BÌNH LUẬN